Our Work


Latest Recipes
star

Cách làm món gà chiên xù từ cánh gà hoặc đùi gà ngon xuýt xoa

Tuesday, July 30, 2019 | 0 comments

Bạn có thể làm món gà chiên xù bằng cánh gà, đùi gà, ức gà hoặc kết hợp cả 3 nhưng làm bằng cánh gà là ngon nhất. Những miếng cánh gà chiên xù với lớp vỏ giòn tan, thịt bên trong mềm và ngọt, chấm với tương ớt hoặc tương cà thì ngon khỏi nói.
Gà chiên xù
Món gà chiên xù

Nguyên liệu

  • Cánh gà: 3 cái
  • Đùi gà: 3 cái
  • Bột chiên xù: 1 gói
  • Bột chiên giòn: 1 gói
  • Bột mì: 2 bát
  • Bột ngô: 1 bát
  • Trứng gà: 3 quả
  • Muối, hạt tiêu, dầu ăn...
Cánh gà hoặc đùi gà sơ chế sạch sẽ, ướp với bột canh, hạt tiêu. Lăn gà qua lại giữa hỗn hợp bột chiên xù và lòng đỏ trứng gà để áo 1 lớp bột bên ngoài. Chiên cánh gà trên chảo dầu cho chín vàng giòn và thưởng thức với tương ớt.

Sơ chế nguyên liệu

Cánh gà rửa sạch, chặt làm đôi hoặc làm 3. Dùng dao khứa vài đường để ướp gia vị cho nhanh ngấm (hoặc dùng tăm xiên những lỗ nhỏ). Ướp cánh gà với chút hạt tiêu và chút bột canh khoảng 15 phút.
ướp cánh gà
Ướp cánh gà
trộn bột chiên xù
Dùng 1 chiếc âu trộn đều bột chiên giòn, bột mì và bột ngô với nhau. Bột chiên xù để riêng
Đánh trứng gà
Trứng gà đập vào bát, đánh tan.

Tẩm bột chiên xù

Lấy từng chiếc cánh gà đã ướp gia vị lăn qua lớp bột đã trộn để áo 1 lớp bột bên ngoài. Có thể cho cánh gà và bột vào hộp nhựa rồi xóc đều cũng được.
lăn bột cánh gà
Lăn bột lần 1
Tiếp theo, nhúng cánh gà vào bát trứng gà để tạo độ ẩm cũng như độ kết dính.
nhúng cánh gà vào trứng
Lăn qua trứng gà
lăn bột lần 2
Cuối cùng là lăn vào bột chiên xù

Chiên gà

Bắc chảo lên bếp, đổ 1 lượng lớn dầu ăn. Đun nóng và thả gà vào chiên. Nhớ để lửa nhỏ vừa để thịt gà chín đều bên trong mà lớp bột bên ngoài vàng giòn nhưng không bị cháy.
chiên xù cánh gà
Chiên cánh gà
món cánh gà chiên xù
Gà chín, gắp ra đĩa lót giấy thấm dầu.
Khi ăn chấm với tương ớt hoặc tương cà thì ngon tuyệt không khác gì gà chiên xù KFC.
Bạn có thể làm gà chiên xù tại nhà vào những ngày cuối tuần để chiêu đãi bạn bè và người thân. Cách làm đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn với những miếng gà chiên xù vừa giòn vừa thơm chắc chắn sẽ hấp dẫn bất kỳ ai thưởng thức. Đặc biệt là các bạn nhỏ.

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

  • Có thể luộc qua cánh gà 3,4 phút trước khi tẩm bột để thịt gà mềm và nhanh chín khi chiên.
  • Một số công thức có hướng dẫn dùng thêm mật ong nhưng theo mình là không cần thiết. Dùng mật ong khi làm món gà rán mật ong hoặc gà nướng sẽ thích hợp hơn.
  • Nếu làm cho trẻ nhỏ thì không sử dụng hạt tiêu khi ướp.
  • Nên chọn cánh gà công nghiệp để làm món ăn này cho mềm và nhiều thịt. Cánh gà ta có thể bị dai, gầy và cứng.


Chi tiết cách làm sữa chua mít trân châu dừa đơn giản tại nhà mà ngon

| 0 comments

Hướng dẫn này sẽ giúp bạn học cách làm sữa chua mít trân châu dừa đơn giản tại nhà, tuy hơn tốn thời gian một chút nhưng hương vị chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng. Ngoài ra, Thucthan.com cũng sẽ chỉ cho bạn cách biến tấu các món sữa chua mít khác nhau, bạn có thể làm ăn thường xuyên mà không lo bị ngán.
Sữa chua mít
Món sữa chua mít
Như đúng tên gọi, nguyên liệu chính của món ăn này là sữa chua và mít, ngoài ra nó còn được kết hợp thêm với trái cây và các loại thạch, rất phong phú, đa dạng. Sữa chua + mít, 2 nguyên liệu tưởng chừng chẳng liên quan nhưng lại tạo nên một bản phối hài hòa. Vị chua dịu, thanh mát của sữa chua kết hợp với mít tươi giòn ngọt thơm nức mũi, lại thêm trân châu dai dai, thạch dẻo dẻo, trái cây tươi cắt miếng… ăn đã miệng vô cùng.
sữa chua mít
Sữa chua mít là món ăn vặt quen thuộc của học sinh, sinh viên và giới văn phòng
Sữa chua mít có rất nhiều biến tấu khác nhau, từ nguyên liệu chính là sữa chua và mít, người ta thêm vào đủ loại nguyên liệu tùy sở thích người làm. Đặc biệt, một số món sữa chua mít ngon nổi bật, được nhiều người yêu thích nhất phải kể đến là: sữa chua mít trân châusữa chua mít trái câysữa chua mít thạch

Nguyên liệu

  • Sữa chua có đường: 3 hộp
  • Mít tươi: 200g
  • Dừa tươi: 100g
  • Bột năng: 200g
  • Hạt é: 1 muỗng
  • Nước cốt dừa: 1 hộp nhỏ
  • Sữa đặc: 1 hộp nhỏ
  • Nước sôi: khoảng 1 tô

Sơ chế nguyên liệu

Đối với mít tươi, bạn dùng dao cắt một đường dọc múi mít rồi tách hạt ra ngoài, sau đó dùng tay hoặc dao nhỏ cắt mít ra thành những sợi nhỏ, dài (như trong hình). Lưu ý, các sợi mít phải có kích thước đồng đều thì món ăn mới trông đẹp mắt.
sơ chế mít
Cắt mít thành những sợi nhỏ, dài vừa ăn
Dừa tươi cạo sạch lớp vỏ đen bên ngoài, rửa lại với nước rồi để ráo. Bạn dùng dao cắt cùi dừa thành các hạt lựu nhỏ để làm nhân trân châu. Kích thước dừa tùy thuộc vào kích thước trân châu bạn muốn làm.
cùi dừa
Cắt cùi dừa thành các hạt lựu nhỏ để làm nhân trân châu
Hạt é đem rửa qua với nước lạnh cho sạch (nếu rửa nước ấm hoặc nước nóng hạt sẽ nhanh nở ra). Bạn cho hạt é vào một cái chén, đổ vào khoảng 1/3 chén nước nóng, đợi khoảng 15 phút hạt é sẽ nở to ra.
hạt é
Hạt é ngâm nước nóng sẽ nở to ra so với kích thước ban đầu

Làm trân châu dừa

1. Nhào bột

Bạn đổ bột năng vào một cái tô lớn, thêm vào đó khoảng 1 tô nước sôi, vừa đổ nước vừa khuấy đều cho đến khi bột và nước hòa quyện. Lưu ý, lượng nước vừa đủ, không nên đổ quá nhiều sẽ làm loãng bột.
Đợi ít phút cho bột nguội bớt, sau đó bạn dùng tay nhào thật đều để tạo thành một khối bột mềm mịn. Nhào nhẹ nhàng, đều tay cho đến khi bột bắt đầu sánh lại và có độ đàn hồi là được (kiểm tra độ đàn hồi bằng cách dùng ngón tay ấn xuống, nếu bột không bị lõm mà đàn hồi lại ngay là đã đạt yêu cầu).
nhào bột năng
Nhào khối bột cho đến khi mềm mịn và có độ đàn hồi tốt

2. Nặn viên trân châu

Lấy một chút bột năng (lượng vừa đủ để là 1 viên chân trâu), dùng tay ép bột để tạo thành một mặt phẳng, sau đó đặt miếng cùi dừa vào. Bạn nặn các mép bột sao cho phủ kín cùi dừa, tiếp đó cho vào lòng bàn tay vo tròn lại rồi để ra đĩa. Làm tương tự cho đến khi hết nguyên liệu.
Lưu ý, bạn phải lấy lượng bột vừa đủ để viên trân châu không bị quá lớn hoặc quá nhỏ, căn cho lượng bột bằng nhau để kích thước trân châu đều và đẹp.
nặn viên trân châu dừa
Ép bột mỏng ra rồi cho nhân dừa vào giữa
viên trân châu dừa
Các viên trân châu dừa sau khi nặn

3. Luộc trân châu dừa

Bạn bắc một nồi nước lên bếp (1/2 nồi nước), đun sôi để luộc trân châu dừa. Khi nước sôi, bạn thả từ từ trân châu vào, đậy nắp lại rồi nấu cho sôi lên. Thi thoảng dùng muỗng đảo đều để trân châu không bị dính nhau và không bị dính dưới đáy nồi.
Khi nước sôi trở lại, trân châu chuyển từ màu trắng đục sang trắng trong và nổi lên mặt nước là đã chín. Lúc này bạn vớt trân châu ra, cho ngay vào thau nước lạnh để trân châu dẻo và không dính vào nhau. Ngâm trong nước vài phút thì vớt trân châu ra rổ, để thật ráo nước.
luộc chân trâu
Khi trân châu chuyển sang màu trắng trong và nổi lên trên mặt nước là đã chín
ngâm trân châu trong nước lạnh
Vớt ra cho ngay vào nước lạnh để trân châu không bị dính vào nhau

Hoàn thiện món ăn

Để đựng sữa chua mít bạn có thể chuẩn bị một cái chén nhỏ, một cái ly có miệng rộng hoặc đĩa nhỏ sâu lòng. Đơn giản nhất thì dùng chén thôi nhé!
Đầu tiên, bạn cho vào chén một lớp đá bào, bóc hộp sữa chua phủ đều lên trên. Lấy mít thái sợi rắc đều lên sữa chua, tiếp đó cho trân châu vào một góc chén. Cuối cùng, bạn múc vào chút hạt é, 1 muỗng sữa đặc và 1 muỗng nước cốt dừa là xong. Khi ăn, bạn dùng muỗng trộn đều các nguyên liệu rồi thưởng thức.
Bạn có thể cho thêm trái cây hoặc thạch rau câu tùy ý.
món sữa chua mít
Sữa chua mít trân châu dừa có hình thức thật hấp dẫn
Với cách làm sữa chua mít trên đây, từ nay bạn không cần ra quán để ăn vặt món này nữa. Sữa chua mít tự làm vừa ngon vừa sạch, tiết kiệm chi phí lại rất đúng ý, đúng vị. Một chén sữa chua mít mát lạnh sẽ là món ăn vặt, món tráng miệng hoặc giải nhiệt hấp dẫn với bất kì ai. Ngoài ra, bỏ túi cách làm sữa chua mít cũng là một ý hay khi muốn làm món ăn để chiêu đãi bạn bè, đồng nghiệp.

Yêu cầu thành phẩm

  • Chén sữa chua mít có màu sắc hấp dẫn của nhiều loại nguyên liệu khác nhau: màu trắng đục của sữa chua, màu trắng trong của trân châu dừa, nổi bật màu vàng tươi của những sợi mít Thái, xen vào đó là hạt é lấm tấm đen, tất cả hòa quyện tạo thành một món ăn đầy màu sắc.
  • Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị chua dịu của sữa chua kết hợp với vị thơm lừng, béo ngậy của sữa đặc và nước cốt dừa, mít Thái giòn ngọt, trân châu dai dai dẻo dẻo với nhân dừa bùi ngậy, đem lại cảm giác cực thích thú khi ăn.

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

  • Sữa chua mít là món ăn có khả năng biến hóa đa dạng vì có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau. Cách làm sữa chua mít trân châu dừa đã rất hoàn hảo rồi, tuy nhiên bạn có thể bổ sung thêm các loại thạch hoặc trái cây cắt nhỏ tùy thích, không chỉ ngon mà còn giúp thay đổi khẩu vị hằng ngày.
  • Đối với trái cây, bạn chỉ cần gọt vỏ, cắt hạt lựu nhỏ vừa ăn rồi trộn vào chén sữa chua mít. Bất kỳ loại trái cây nào cũng có thể kết hợp với món ăn này.
  • Đối với thạch, bạn có thể mua loại thạch trái cây làm sẵn hoặc tự nấu thạch rau câu dẻo tại nhà. Chỉ cần mua rau câu dẻo về nấu, tạo màu đẹp mắt với các loiaj rau củ tự nhiên hoặc siro, để đông đặc rồi cắt miếng vuông nhỏ cho vào cùng.
    thạch rau câu dẻo
    Thạch rau câu dẻo có cách làm đơn giản nhưng ăn rất ngon
  • Ngoài ra, các loại trân châu, bánh flan, hạt đác… đều là những nguyên liệu phổ biến được dùng trong món ăn này.


Cách làm chân gà chiên mắm tỏi ớt giòn ngon bất bại

| 0 comments



Hướng dẫn cách làm món chân gà chiên mắm giòn ngon tại nhà với các gia vị đơn giản như: tỏi, ớt, bột năng... Món ăn có cách làm đơn giản, nhanh gọn nhưng lại đạt chuẩn hương vị thơm ngon khó cưỡng.

Chân gà chiên mắm
Món chân gà chiên mắm

Cách làm món gà chiên xù từ cánh gà hoặc đùi gà ngon xuýt xoa

Nguyên liệu

  • Chân gà: 10 chiếc
  • Bột năng: 2 thìa
  • Đường: 2 thìa
  • Tỏi: 1 củ
  • Ớt tươi, hạt tiêu
  • Các gia vị thông thường


Nguyên liệu làm chân gà chiên mắm
Nguyên liệu làm món chân gà chiên mắm
Chân gà làm sạch, chặt làm đôi, luộc sơ qua rồi tẩm với bột năng. Tiếp tục chiên cho chân gà chín vàng giòn, vớt ra để ráo. Cuối cùng là pha bát nước sốt đúng công thức rồi sốt chân gà khoảng 3 phút với hỗn hợp nước sốt đậm đà là hoàn thành món ăn.

Sơ chế chân gà

sơ chế chân gà
Sơ chế chân gà

Chân gà mua về rửa sạch với nước muối pha loãng cùng chút giấm để loại bỏ nhớt cũng như mùi hôi. Cắt bỏ các móng rồi chặt chân gà làm đôi.

Bắc nồi lên bếp, đun sôi nước và luộc sơ chân gà khoảng 3 phút rồi vớt ra.

Xóc bột năng

Cho chân gà vào 1 chiếc hộp nhựa có hình trụ miệng rộng để trộn bột năng. Bạn xếp 1 lớp chân gà vào hộp, rắc bột năng lên trên rồi lại đến lượt tiếp theo. Cuối cùng đậy nắp, dùng 2 tay xóc đều để bột năng bám đều vào chân gà mà không bị vón cục.

chân gà tẩm bột năng
Chân gà tẩm bột năng

Chiên chân gà

Bắc chảo lên bếp, cho nhiều dầu ăn 1 chút. Đun dầu nóng già rồi lần lượt thả chân gà đã tẩm bột năng vào chiên. Hạ lửa nhỏ vừa và chiên cho chân gà chín vàng giòn không bị cháy xém.

chiên chân gà
Chiên chân gà

Chân gà chiên chín thì gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu để hút bớt dầu dính ở chân gà, khi ăn không bị ngán.

chân gà chiên giòn
Chân gà chiên giòn

Pha nước sốt

Công thức pha nước sốt chân gà chiên mắm như sau:
  • Ớt băm nhỏ
  • Tỏi băm nhỏ
  • Đường: 1 thìa
  • Nước mắm: 2 thìa
  • Bột nêm: 1/2 thìa
  • Hạt tiêu: 1/2 thìa
  • Tương ớt: 1 thìa
  • Nước lọc để nguội: 1/4 bát
Quấy đều cho tan hết đường để thu được hỗn hợp bát nước sốt.

Sốt chân gà


sốt chân gà
Sốt chân gà

Bắc 1 chiếc nồi sạch lên bếp. Cho chân gà vào, bật bếp cho nóng rồi rưới nước sốt lên trên. Để lửa vừa, đảo đều tay để sốt ngấm đều vào chân gà. Sốt khoảng 3 phút là có thể trút chân gà ra đĩa và thưởng thức.

Yêu cầu thành phẩm

Món chân gà chiên mắm khi thưởng thức cần có vị đậm đà của nước mắm, mùi thơm của tỏi pha lẫn vị ngọt của đường. Chân gà ăn dai, giòn nhờ có bột năng. Chân gà có màu vàng đậm, nước sốt sánh quện sẽ rất ngon và bắt mắt. Món này có thể ăn không như 1 món ăn vặt, làm món nhậu hoặc ăn với cơm trắng đều rất thích hợp.

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

  • Cũng giống như những món ăn khác từ chân gà, nhớ chọn chân gà công nghiệp để chế biến bởi chân gà công nghiệp mềm, nhiều da. Chân gà ta vừa dai, cứng lại ít da nên ăn không ngon bằng.
  • Dù là mua chân gà trong siêu thị đã được chế biến, đóng gói sẵn cũng vẫn nên sơ chế lại trước khi chế biến.
  • Có thể dùng thêm mật ong khi chế biến món ăn này bằng cách cho thêm 2 thìa mật ong vào công thức pha nước sốt.
  • Có thể thay chân gà bằng cánh gà nếu muốn.

Video




Tào phớ là gì?

| 0 comments


Được biết đến như một món ăn dân dã, từ lâu, tào phớ đã trở thành món ăn vặt được yêu thích ở Việt Nam cũng như nhiều nước Châu Á. Mặc dù phổ biến như vậy, nhưng có lẽ ít ai biết được tào phớ bắt nguồn từ đâu, khi nào hay giá trị dinh dưỡng ra sao. Bài viết hôm nay, Thucthan.com sẽ chia sẻ tất tần tật những thông tin thú vị về món ăn này.
Tào phớ là gì
Tào phớ là gì

 

Tào phớ là gì?

Tào phớ là 1 món ăn vặt được làm từ đậu nành rất phổ biến vào mùa hè bởi sự thanh mát cũng như khả năng giải nhiệt. Với màu trắng ngà, vị thơm mát, bùi bùi, tào phớ đã dễ dàng chiếm được cảm tình của nhiều người. Mỗi miếng tào phớ kết thành khối mịn tựa như thạch rau câu nhưng lại không đóng thành khối chắc chắn như thạch mà mềm mại, núng nính, dễ tan hơn rất nhiều.
Tào phớ còn có các tên gọi khác như: phớ, tào phở, đậu hũ, tàu hủ, đậu hoa hay đậu pha…

Tào phớ có nguồn gốc từ đâu?

Mặc dù đã trở thành món ăn quen thuộc nhưng chẳng ai biết rõ tào phớ có từ bao giờ, chỉ biết rằng, ở Việt Nam, món ăn này có nguồn gốc từ làng An Phú (Nghĩa Đô, Cầu Giấy ngày nay). Từ một nghề phụ, trải qua thời gian, ngày nay, nghề làm và bán tào phớ đã trở thành nghề chính của người dân nơi đây.

làm tào phớ
Một trong những công đoạn làm tào phớ tại làng nghề An Phú

Sự “cách điệu” của tào phớ ở mỗi vùng miền

Nếu ai từng một lần thưởng thức bát tào phớ chắc hẳn sẽ khó quên được hương vị thanh mát, bùi bùi đặc trưng của món ăn này. Màu trắng ngần của những miếng tào phớ mềm, nhẹ xốp, núng nính trong bát nước đường vàng óng cùng vị thơm thoang thoảng của hoa nhài đọng lại nơi đầu lưỡi và nằm mãi ở tiềm thức của những người thưởng thức.
Ở Việt Nam, tại mỗi vùng miền khác nhau, tào phớ những biến thể, cách điệu từ trong lối chế biến, thưởng thức, gọi tên… tạo nên sự thú vị, hấp dẫn riêng biệt cho món ăn này.

Tào phớ Hà Nội – như một nét đẹp từ những gánh hàng rong

Những ai ở Hà Nội đã không còn xa lạ với những gánh tào phớ trên khắp các con phố nhỏ cùng tiếng rao “Ai phớơơơ đây” trong những ngày hè. Dưới cái nắng lấp lánh của buổi sáng sớm hay những chiều muộn, tiếng rao quen thuộc cùng những bát tào phớ ngọt mát như tạo nên một nét đẹp trên phố phường cũng như ẩm thực đường phố của Hà Nội.

bán tào phớ
Những gánh tào phớ bán rong trở thành nét đặc trưng trên những con phố Hà Nội

Tào phớ ở Hà Nội thường được chan cùng nước đường ướp hoa nhài tươi. Món ăn này có cả vào mùa hè lẫn mùa đông. Mùa hè, bát tào phớ thường được thêm ít đá bào mát lạnh còn mùa đông, bát tào phớ ấm nóng cũng làm thực khách kịp ấm lòng trước cái se lạnh đặc trưng ở nơi này.

Trước đây, người ta thường lấy tào phớ bằng những mảnh vỏ trai to, cong, óng ánh lớp xà cừ nhưng ngày nay, nhiều gánh hàng rong thay thế bằng miếng tôn mỏng nhưng vẫn không làm giảm đi độ ngon của món ăn này. Từng lớp tào phớ được người bán hàng khéo léo lấy ra bát rồi chan nước đường ướp hoa nhài lên. Màu trắng ngần của tào phớ lấp lánh trong làn nước đường nâu ngà ngà tạo ra một sức hấp dẫn kỳ lạ, vương vấn mãi không thôi.
Ngày nay, với sự phát triển của nhiều loại chè hiện đại, tào phớ Hà Nội cũng được kết hợp với nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: thạch, chân trâu, dừa tươi nạo sợi…

tào phớ hoa nhài
Tào phớ Hà Nội thoang thoảng, thanh mát hương nhài được ướp cùng nước đường

Ở một số vùng khác, tào phớ cũng được thưởng thức tương tự như tào phớ Hà Nội nhưng lại được gọi với cái tên khá đẹp – đậu hoa. Lý do người ta đặt tên như vậy bởi tào phớ cũng mềm mịn tựa như những miếng đậu non, lại được chan thứ nước đường ướp hoa nhài tươi, khi ăn vừa có vị thanh mát, bùi ngầy ngậy của đậu nành lại thoang thoảng đâu đó vị thơm ngọt, thanh khiết của hương nhài.

Vị cay nồng làm nên vị đặc trưng của tào phớ miền Trung

Nếu tào phớ Hà Nội đặc trưng bởi sự thanh mát, nhẹ nhàng thì tào phớ miền Trung lại đặc trưng bởi vị cay nồng thoang thoảng của gừng tươi. Nơi đây, tào phớ được gọi với cái tên khác là đậu hũ.

Cách chế biến món đậu hũ miền Trung cũng khác khá nhiều khi có độ lỏng hơn, không định hình và có độ kết dính như tào phớ Hà Nội. Bát đậu hũ miền Trung thường được bỏ thêm chút gừng tươi giã dập hoặc thái lát mỏng làm dậy lên vị thơm đặc trưng của đậu tương, tạo ra một sự trải nghiệm thú vị. Ở Huế, khi thưởng thức món ăn này, người ta thường không chan ngập nước đường mà thường rắc đường hoặc không rắc đường lên trên mặt tùy theo sở thích của khách hàng.

tào phớ miền trung
Vị cay nồng của gừng tươi khiến đậu hũ miền Trung dậy mùi, hấp dẫn hơn

Tàu hũ miền Nam cũng mang nét đặc trưng riêng mình

Ở miền Nam, tào phớ được biết đến với cái tên tàu hũ và có cách chế biến cũng như thưởng thức khá khác biệt so với tào phớ miền Bắc và đậu hũ miền Trung. Món tàu hũ ở miền Nam được làm đặc hơn, sánh hơn và có thể có thêm cả nước cốt dừa. Tàu hũ thường được ăn nóng với nước đường, kèm chút gừng tươi, có khi thêm vài viên bột lọc nhỏ.

tào phớ miền nam
Bát tàu hũ chuẩn vị miền Nam

Ngoài ra, người miền Nam cũng có nhiều cách thưởng thức tàu hũ khá thú vị như ăn kèm nước dừa, nước đá, trân châu, long nhãn, caramen,…

món tào phớ 1
Món tào phớ

món tào phớ
Món tào phớ

món tào phớ
Món tào phớ

món tào phớ
Món tào phớ

món tào phớ
Mỗi sự kết hợp, biến tấu khác nhau sẽ mang lại trải nghiệm thú vị cho món ăn này

Tào phớ càng “cách điệu” hơn ở một số nước Châu Á

Tại một số vùng ở Trung Quốc, món tào phớ còn được chan với cơm.

Ở Đài Loan, món ăn này được dùng kèm với vài loại hạt như đỗ, lạc, hạt dẻ, gừng tươi và nước đường. Cũng giống như nhiều nơi ở Việt Nam, người dân nơi đây dùng món tào phớ cho cả mùa đông và mùa hè. Vào mùa đông thì ăn nóng, mùa hè thì ăn lạnh cùng chút nước đá.

Tào phớ Đài Loan
Tào phớ Đài Loan dùng kèm với lạc và nước đường

Tại Hồng Kông, tào phớ được dùng kèm với nước đường, thêm mứt vừng đen hoặc sữa dừa.

Tào phớ Hồng Kông
Tào phớ đậm chất Hồng Kông khiến ai đã thử một lần sẽ khó quên

Trong khi đó, ở Malaysia và Singapore, vẫn là sử dụng nước đường dùng kèm như nhiều nơi khác và có thể có thêm hạt bạch quả.

tào phớ phiên bản Singapore
Một lần thưởng thức tào phớ phiên bản Singapore để nhớ mãi không thôi

Tào phớ và những điều bạn chưa biết

Khi chế biến tào phớ có thể để nguyên hoặc bỏ vỏ đậu tương, tuy nhiên, món ăn sẽ mềm mịn, trắng ngần và hấp dẫn hơn khi được trẩy sạch vỏ.

Tào phớ là món ăn được chế biến từ đậu tương, về cơ bản là có lợi cho sức khỏe, nhưng cũng giống như nhiều món ăn khác, nếu dùng một lượng vừa đủ mỗi ngày sẽ mang lại hiệu quả nhất định cho sức khỏe và ngược lại.

hạt đậu nành
Hạt đậu nành là nguyên liệu chính cho món tào phớ

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây là thực phẩm tốt và phù hợp với mọi lứa tuổi nhưng người bình thường chỉ nên sử dụng không quá 200g tào phớ mỗi ngày. Đối với một số trường hợp, cụ thể như phụ nữ hoặc nam giới trong thời kỳ sinh sản, các bác sĩ khuyên chỉ nên sử dụng một lượng vừa phải nếu không muốn ảnh hưởng tới chất lượng của thời kỳ này.

Cũng theo nhiều nghiên cứu cho thấy, trong tào phớ có chứa:
  • Saponins – một chất có thể gây ra tình trạng đào thải I-ốt trong cơ thể, nếu ăn nhiều dễ xảy ra tình trạng thiếu I-ốt.
  • Methionine – một chất dưới tác dụng của enzyme trong dạ dày có thể bị chuyển hóa và gây nên tình trạng xơ vữa động mạch.
  • Protein – mặc dù rất tốt cho cơ thể nhưng nếu tiêu thụ một lượng quá lớn dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như: đầy bụng, khó tiêu cũng như làm cản trở quá trình hấp thu sắt của cơ thể.

ăn tào phớ
Người bình thường chỉ nên sử dụng không quá 200g tào phớ mỗi ngày

Chứa một lượng nhỏ Nitơ – một chất nếu dung nạp nhiều sẽ khiến thận phải làm việc quá tải, lâu ngày dễ dẫn tới suy yếu chức năng của thận.

Theo bí quyết của nhiều người dân làng nghề An Phú, thạch cao sẽ giúp tào phớ có sự kết tủa đạt chuẩn hơn nên trong quá trình chế biến, người ta thường thêm chút thạch cao thiên nhiên với một lượng vừa đủ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều người không kiểm soát được việc sử dụng chất phụ gia này. Trong khi đó, thạch cao lại dễ gây ra cặn canxi trong đường ruột và thận, dẫn đến nguy cơ mắc sỏi thận…

Ngoài ra, một chuyên gia y tế của Mỹ còn cho rằng, một lượng tinh trùng, thậm chí là hệ thống sinh sản nam giới sẽ bị giảm đáng kể nếu sử dụng quá nhiều tào phớ nói riêng và các sản phẩm từ đậu nành nói chung.

Cách làm kem chuối ngon tại nhà

| 0 comments

Đơn giản và bình dị là những gì dành để miêu tả về kem chuối. Từ những trái chuối chín vàng mới thu hoạch, bạn chỉ cần chuẩn bị thêm chút bột năng, đậu phộng, nước cốt dừa và dừa nạo là có thể học cách làm kem chuối ngon và đơn giản tại nhà.

Món kem chuối


Kem chuối là món ăn tuổi thơ mà bất kì ai cũng đã từng thưởng thức. Cho đến bây giờ, khi các loại kem mới đã trở nên phổ biến thì kem chuối vẫn chiếm được sự yêu thích của tất cả mọi người, từ người lớn cho đến trẻ em. Miếng kem chuối thơm ngon, mát lạnh với vị ngon ngọt của chuối chín, vị thơm béo của nước cốt dừa, kết hợp với vị bùi ngậy của dừa nạo và đậu phộng rang… tất cả đã tạo nên một hương vị độc đáo và hấp dẫn vô cùng.

Kem chuối là món ăn tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt


Ken chuối ngon, rẻ, tự tay làm nên không có chất bảo quản, bạn có thể ăn vô tư mà không cần lo lắng. Cách làm kem chuối khá đơn giản, nguyên liệu cũng chẳng cầu kì, thế nhưng có rất nhiều cách làm kem chuối khác nhau và không phải ai cũng biết cách làm ngon. Hôm nay hãy cùng Thucthan.com tìm hiểu cách làm kem chuối thơm ngon, mát lạnh ngay tại nhà nhé.

Nguyên liệu
  • Chuối chín: 5 – 7 trái
  • Nước cốt dừa: 300ml
  • Bột năng: 40g
  • Cùi dừa nạo: 250g
  • Đậu phộng: 100g
  • Vani: 1 hộp
  • Đường cát trắng: 50g
  • Muối: 3g
  • Nước lọc: 200ml
  • Túi nilong mỏng loại trong suốt: 20 cái


Rang đậu phộng
Bạn cho đậu phộng vào chảo rang với lửa nhỏ, đảo đều tay cho đậu phộng chín từ từ. Sau khi đậu phộng chín, bạn trút hết vào một tờ báo rồi ủ trong chăn hoặc quần áo dày khoảng 15 phút, khi đó đậu phộng sẽ rất giòn và dễ tách vỏ.

Để nguội bớt rồi dùng tay chà xát lớp vỏ lụa, thổi bay hết và chỉ lấy phần nhân đậu phộng.
Cho đậu phộng vào cối giã dập, lưu ý không được giã nát.

Đậu phộng để nguội, tách vỏ rồi giã dập


Làm bột kem
Cho bột năng vào một cái nồi nhỏ, đổ nước lọc, nước cốt dừa, đường, muối vào hòa tan. Lúc này, bạn bắc nồi bột lên bếp nấu (để lửa nhỏ), thi thoảng khuấy đều để bột không bị cháy bén vào nồi. Khi hỗn hợp bột sánh lại thì bạn tắt bếp, để nguội rồi đổ ra tô.

Hỗn hợp kem được làm từ bột năng, nước, nước cốt dừa cùng với muối và đường


Chế biến chuối
Trong thời gian chờ hỗn hợp bột ở bước 2 nguội thì bạn sơ chế chuối.
Lột hết vỏ chuối, cho từng trái vào một chiếc túi nilong sạch, dùng chày cán bột hoặc thân chai bia để ép và cán cho chuối dẹt ra như hình. Làm lần lượt từng trái chuối rồi xếp chuối vào đĩa.

Cho từng trái chuối vào túi nilong mỏng rồi cán dẹt


Chuối sau khi cán dẹt


Để món kem chuối trông đẹp mắt hơn, bạn hãy dùng dao để cắt đi những phần thừa cho miếng chuối được vuông vắn.

Làm kem chuối
Số lượng túi nilong còn lại dùng để bọc bên ngoài kem nên bạn dùng dao rạch ra nhé!

Bạn lấy từng miếng chuối rồi đặt lên trên mặt phẳng sạch, dùng muỗng múc kem phết đều lên miếng chuối. Lớp kem không nên quá dày hay quá mỏng. Tiếp đó, bạn rắc đậu phộng rang đập dập và dừa nạo lên trên (ít hay nhiều tùy sở thích).

Phủ lớp nilong lên miếng kem chuối rồi lật mặt bên kia lại, làm tương tự rồi phủ kín nilong lại. Lưu ý, lúc gấp miếng nilong phải làm cho thật khéo để miếng kem chuối chắc, đẹp và không bị chảy bột ra ngoài.

Phủ kem, đậu phộng rang và dừa nạo lên trên mặt miếng chuối


Tiếp tục với các miếng chuối còn lại.

Thực hiện tương tự với mặt còn lại


Sau khi làm xong, bạn xếp các miếng kem chuối vào 1 cái khay nhựa (không nên xếp chồng lên nhau) rồi cất vào ngăn đá tủ lạnh. Quá trình làm kem sẽ diễn ra trong khoảng 5, 6 tiếng, lúc này bạn có thể lấy kem ra ngoài rồi thưởng thức.

Xếp kem chuối vào hộp rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh


Sau 5 – 6 tiếng, kem đông lại là bạn có thể lấy ra ăn


Nếu thấy miếng kem chuối to quá, bạn có thể dùng dao cắt thành miếng nhỏ hơn


Với cách làm này bạn sẽ có món kem chuối ngon không kém ngoài hàng. Thay vì các loại trái cây, quà bánh quen thuộc thì giờ đây bạn có thêm kem chuối để làm món tráng miệng hay ăn chơi, ăn vặt. Đặc biệt, vào những ngày hè oi bức, giải nhiệt bằng một miếng kem chuối vừa ngon vừa bổ sẽ giúp bạn nhanh chóng phục hồi năng lượng.
Yêu cầu thành phẩm
  • Kem cứng, các nguyên liệu dính chặt và không tách dời nhau.
  • Khi ăn, chuối, kem và các nguyên liệu hòa quyện với nhau một cách độc đáo. Bạn sẽ cảm nhận được vị ngon ngọt tự nhiên của chuối, vị mát lạnh và béo ngậy của lớp bột kem, nổi bật nhất là vị giòn giòn, bùi ngậy của đậu phộng rang và cùi dừa nạo, càng ăn càng thích.

Mẹo & lưu ý (Footnotes)
  • Túi nilong mỏng các bạn có thể mua ở các đại lý hoặc cửa hàng tạp hóa gần nhà.
  • Bạn có thể sử dụng các loại chuối khác nhau tùy ý, đó có thể là chuối tây, chuối tiêu, chuối sứ, chuối ngự… Tuy nhiên, trong cách làm kem chuối này thì Thucthan.com sử dụng chuối sứ.

Chuối sứ
Chuối sứ là loại chuối được sử dụng nhiều nhất để làm kem chuối.
  • Khi mua, bạn nên chọn những trái vừa chín tới, nếu chuối còn xanh hoặc hơi cứng ăn sẽ chát, chuối chín muồi thì lại mềm và quá ngọt. Chọn chuối chín vừa, trái lành lặn, không bị sâu, dập là tốt nhất.
  • Bạn có thể sử dụng nước cốt dừa mua sẵn hoặc tự làm ở nhà.
  • Nếu cầu kì hơn, bạn có thể làm các que gỗ mỏng dẹt, xiên khoảng 2/3 chiều dài que vào trong trái chuối, sau đó mới đem ép rồi tiến hành làm kem. Đó là cách để tạo ra những que kem chuối có thể cầm lên ăn trực tiếp.
  • Lượng đậu phộng, cùi dừa nạo bạn có thể điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị. Các nguyên liệu này không chỉ giúp món ăn đẹp mắt mà còn góp phần tạo nên vị bùi ngậy, hấp dẫn cho món kem.
  • Ngoài cách làm trên, bạn có thể thái chuối thành các miếng mỏng, trộn đều với hỗn hợp bột kem, sau đó múc vào hộp lớn rồi cho vào tủ lạnh. Sau 6 tiếng, bạn sẽ có một khối kem chuối mát lạnh, lúc này chỉ cần dùng dao cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn.


Bạn có thể cắt nhỏ rồi trộn chuối với hỗn hợp bột cũng được

Cách bảo quản
  • Kem chuối cũng như các loại kem thông thường khác, nếu để ở nhiệt độ thường sẽ bị tan chảy nhanh. Vì vậy, bạn không nên bày sẵn ra đĩa mà khi nào ăn mới lấy, giữ cho kem đông cứng và mát lạnh là ngon nhất.
  • Cách làm kem chuối tại nhà không sử dụng chất bảo quản, tuy nhiên có thể để được từ 7 – 10 ngày mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Bạn có thể tranh thủ thời gian rảnh để làm nhiều kem ăn dần.